Thành Tựu Lê_Đại_Cương

Không những nổi tiếng là một thượng quan tài năng, liêm chính, văn võ song toàn, Lê Đại Cang còn được đương thời coi là một bậc cự phách, hiển đạt về văn chương với tập “Lê thị gia phả”, tập thơ “Tỉnh ngu thi tập” và hai tập bút ký về thời gian làm quan ở phương Nam mang tên “Nam hành” và “Tục Nam hành”. Đáng tiếc, do chiến tranh loạn lạc, hiện chỉ có tập “Lê thị gia phả” còn được gia tộc họ Lê ở quê hương lưu giữ, các tác phẩm khác đều đã thất lạc, chưa sưu tầm lại được.

Sử sách triều Nguyễn, nhất là bộ Đại Nam thực lục đã ghi chép khá tỉ mỉ về hành trạng làm quan của Lê Đại Cang với trên 200 đoạn, hàng vạn chữ.

Từ năm 2013, cuộc đời và sự nghiệp của Lê Đại Cang mới được quan tâm nghiên cứu một cách hệ thống, mở đầu là hội thảo “Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ” tổ chức vào tháng 1 cùng năm tại TP Quy Nhơn do Viện Sử học VN, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức với sự tham gia của hàng trăm nhà sử học, văn hóa học và văn nghệ sĩ hàng đầu của đất nước và Bình Định quê hương. Sau hội thảo này, một cuốn sách lớn mang tên “Lê Đại Cang – Nhân cách bậc quốc sĩ” tập hợp hơn 50 báo cáo khoa học và tham luận tại hội thảo đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản. Một bộ phim truyền hình cùng tên với cuốn sách “Lê Đại Cang – Nhân cách bậc Quốc sĩ” cũng được hoàn thành và công chiếu trên truyền hình Việt Nam và trên Youtube.

Giữa năm 2016, một cuộc hội thảo mang tên “Tổng đốc Lê Đại Cương và An Giang” cũng đã được Hội Khoa học Lịch sử An Giang, Thành ủy và UBND thành phố Châu Đốc, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Viện Sử học Việt Nam phối hợp tổ chức. Kết quả hội thảo là tập sách mang tên “Tổng đốc Lê Đại Cương và An Giang” đã được Nhà xuất bản Sân khấu xuất bản năm 2017. Sau hội thảo này, nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ hàng đầu của văn học Việt Nam hiện nay, đã hoàn thành và cho công bố trường ca “Người khiêng võng” về Lê Đại Cang. Bản trường ca được đánh giá rất cao trên văn đàn Việt Nam. Trong năm 2017, hai nhà viết kịch nổi tiếng trong nước cũng đã hoàn thành hai kịch bản sân khấu về Lê Đại Cang: nhà viết kịch Nguyễn Sĩ Chức với kịch bản tuồng mang tên “Hoạn lộ” đã được Nhà hát Tuồng Việt Nam nhận dàn dựng và nhà viết kịch Văn Trọng Hùng với kịch bản tuồng mang tên “Lê Đại Cang” sẽ được Nhà hát tuồng Đào Tấn quê hương Lê Đại Cảng đưa lên sân khấu.

Tên Lê Đại Cang đã được đặt tên đường ở TP Quy Nhơn, một số thị trấn thị xã ở Bình Định và TP Châu Đốc, An Giang.

Dự kiến, tháng 9 năm 2017, sẽ có một hội thảo lớn về danh nhân Lê Đại Cảng tại thủ đô Hà Nội mang tên “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc phối hợp tổ chức, nhằm nghiên cứu đánh giá những đóng góp to lớn của Lê Đại Cang trong khoảng thời gian gần 20 năm Lê Đại Cang thực thi trách nhiệm tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…